Diễn biến Trận_Hohenfriedberg

Đêm ngày 3 tháng 6, Friedrich leo lên đồi Ritter-Berg gần Striegau và quan sát thấy quân địch đã xuất hiện trên đồng bằng Schlesien. Ngay sau đó, ông ta dẫn quân đi vòng qua hướng tây bắc đặng đột kích vào sườn phía đông (sườn trái) của quân đội Áo-Sachsen. 2h30 sáng ngày 4 tháng 6, quân đội Phổ nghỉ chân trên hướng đông nam suối Striegau chảy qua thị trấn cùng tên. Tại đây Friedrich chỉ thị cho toàn quân chia thành các hàng dọc vượt suối Striegau trên một chính diện chạy dài từ Striegau tới Teichau trên hướng tây nam, kế đến quẹo lên mạn tây bắc và tiến đến vùng ngoại ô thị trấn Pilgrimshain; tiếp theo đó, quân Phổ sẽ quay mặt sang hướng tây và lập đội hình chiến đấu, rồi di chuyển tấn công theo hình bậc thang với cánh phải là lực lượng đi đầu tại nửa phía bắc của hàng quân.[14][13]

Các tiểu đoàn bộ binh Phổ đánh tan quân cận vệ Sachsen, tranh của Carl Röchling (1920).

Sau khi nhận được chỉ thị cụ thể từ quốc vương, người Phổ tiếp tục hành quân mau lẹ, trật tự và âm thầm đến mức phe Áo-Sachsen không thể nào phát hiện sự di chuyển của địch.[13][5] Tuy nhiên, lực lượng liên minh bên kia suối Striegau được dàn trải xa về hướng đông hơn là Friedrich dự đoán. Rạng sáng ngày 4 tháng 6, quân tiền vệ cánh phải do trung tướng Du Moulin chỉ huy (gồm 6 tiểu đoàn bộ binh xung kích và 28 khối khinh kỵ binh) trở thành lực lượng Phổ đầu tiên vượt sang suối Striegau. Họ định di chuyển qua các đồi giữa Striegau với Pilgrimshain nhưng phát hiện một nhóm quân Áo-Sachsen đang đóng trên đó. Lúc 4h sáng, Friedrich nhận được cấp báo của Moulin về sự hiện diện của địch sát bờ bắc suối Striegau. Nhà vua lập tức chi viện cho Moulin một khẩu đội gồm 6 pháo 24 pao, đồng thời đôn đốc các đơn vị bộ binh và kỵ binh đi đầu đội hình chủ lực tăng tốc vượt suối. Khoảng 4 - 5h, Johann Adolf cho kỵ binh Sachsen và kỵ binh cánh trái Áo triển khai đội hình tác chiến trên hướng đông Pilgrimshain. Giao chiến đã bùng phát giữa kỵ binh Áo-Sachsen với quân khinh kỵ của De Moulin cùng lực lượng kỵ binh trên sườn phải đội hình chủ lực Phổ.[14] Ban đầu kỵ binh Phổ nắm ưu thế về kỷ luật và quân số, nhưng chỉ sau vài phút trận đánh đã chuyển biến thành một cuộc hỗn chiến đẫm máu và không phân thắng bại giữa các loại kỵ binh của hai phe.[5] 2 tiểu đoàn bộ binh xung kích Sachsen không may bị kẹt vào giữa trận hỗn chiến của kỵ binh. Một vài sĩ quan Phổ đã hoảng hồn khi thấy những lính bộ khỏe đẹp của Sachsen bị chém giết không thương tiếc. Tướng Sachsen là Schlichting "may mắn" hơn khi bị viên sĩ quan thiết kỵ Phổ Friedrich Wilhelm von Seydlitz bắt tại trận.[14][15]

Trong lúc kỵ binh đang giao đấu ác liệt, lực lượng bộ binh hai phe đã kéo dần đến trận địa. Bộ binh Sachsen bên sườn trái liên quân đã xây dựng các tuyến phòng thủ trên một địa bàn nhấp nhô có nhiều đầm lầy, mương rãnh, bụi rậm, và được sự yểm trợ sát cận của pháo binh.[16] Đối diện với họ, thống chế Phổ Leopold II von Anhalt-Dessau xua 9 tiểu đoàn vượt suối Striegau trên các cầu gần Gräben và triển khai đội hình tác chiến. Sau có thêm 12 tiểu đoàn nữa chủ động tham gia mũi tấn công này. Thực thi học thuyết chiến thuật của mình, bộ binh Phổ vác súng điểu thương di chuyển nhanh qua vùng hỏa lực của pháo và bộ binh địch, đến khi tới sát mới bắn xối xả vào đội hình Sachsen. Quân Sachsen vẫn giữ vững hàng ngũ; họ chống đỡ rất dữ dội và gây cho quân Phổ thương vong khá nặng nề. Phải đến 7h sáng, quân Phổ mới giành được thế thượng phong. Sau khi chờ mãi không thấy quân Áo đến tiếp sức, Johann Adolf ra lệnh rút hết lực lượng Sachsen khỏi trận địa, và điều này có nghĩa là toàn bộ cánh trái quân liên minh đã bị loại khỏi vòng chiến.[17][5] Mặc dù kỵ binh cánh phải Phổ và bộ binh của Leopold đã kiệt sức không thể tiếp tục tấn công, quân Áo trên cánh phải liên quân vẫn hoàn toàn bị động. Friedrich quyết định chuyển hướng tất cả các lực lượng chưa tham chiến sang hướng tây nhằm tập trung đánh diệt quân Áo. Do mệnh lệnh không nhất quán, một lữ đoàn Phổ do đại tá Ferdinand von Brunswick-Wolfenbüttel chỉ huy gồm 5 trung đoàn phải phơi thân trên một khu vực trống trải cách làng Gϋnthersdorf 1000 bước về hướng đông, không có đơn vị nào yểm trợ. Tuy nhiên, vương công Karl đã không bắt lấy cơ hội này để chọc sườn cánh trái chưa triển khai đầy đủ của địch. Người Phổ dần đưa được 13 tiểu đoàn hỏa mai và 5 tiểu đoàn xung kích – cả thảy có 10400 lính – đến đối diện với người Áo. Quân bộ binh Áo đã dần dần bị đẩy lùi về hướng đông gần Gϋnthersdorf.[16]

Cùng lúc đó có 9 trung đoàn kỵ binh Phổ vượt suối Striegau gần Teichau để yểm trợ sườn trái cho bộ binh. Lực lượng đầu tiên vượt sang bờ bắc là 10 khối thiết kỵ của thiếu tướng Kyau. Trong khi quân Kyau tiến vào vùng đồng bằng Halbendorf - Thomaswaldau, chiếc cầu sau lưng họ chợt đổ sập và làm cô lập họ với kỵ binh chủ lực Phổ. Lợi dụng ưu thế áp đảo về quân số, kỵ binh Áo ồ ạt xông lên tiêu diệt các thiết kỵ của Kyau. May mắn cho Kyau là thiếu tướng Hans von Ziethen đã tìm ra một chỗ cạn giữa Teichau và Gräben; sau đó Ziethen đem trung đoàn khinh kỵ Ziethen và trung đoàn long kỵ Alt-Württemberg đánh ập vào tuyến thứ hai của kỵ binh Áo trước khi tuyến này có thể áp sát đội thiết kỵ Kyau. Đồng thời, trung tướng Nassau dẫn thêm 25 khối kỵ binh tràn qua chỗ cạn giữa suối Striegau và đột kích vào sườn trái kỵ binh Áo. Khoảng 8h sáng, dưới sức ép từ các đợt xung kích của kỵ binh Phổ kết hợp với hỏa lực bộ binh từ làng Thomaswaldau, toàn bộ bộ kỵ binh Áo đã tan vỡ và tháo chạy tán loạn khỏi trận địa. Nhiều người đã bị kẹt ở đầm lầy. Vương công Karl cũng suýt bị bắt.[18][19][17]

Trung đoàn long kỵ Bayreuth nhất tề xông vào hàng ngũ bộ binh Áo, tranh của Adolph von Menzel.

Sau khi quân Sachsen và kỵ binh Áo thua chạy, lực lượng liên quân tham gia trận đánh bị giảm xuống còn 19500 lính bộ binh ở trung tâm quân Áo. Các đơn vị tinh nhuệ của bộ binh Áo, được sự yểm trợ mạnh mẽ từ pháo binh, đã chặn đứng nhiều đợt tấn công của bộ binh địch. Trong lúc di chuyển tấn công, bộ binh Phổ đã sơ ý tạo một kẽ hở giữa trung đoàn Bevern với lữ đoàn của đại tá Ferdinand von Brunswick-Wolfenbüttel. Nhưng quân Áo chưa kịp khai thác sơ suất này thì trung đoàn long kỵ Bayreuth – một đơn vị kỵ binh đứng chân sau lưng bộ binh Phổ và chưa tham gia các trận chiến với kỵ binh Áo-Sachsen và kỵ binh Áo – đã chủ động luồn qua các khoảng trống trong đội hình bộ binh.[5][18] Khoảng 8h15, trung đoàn long kỵ Bayreuth tung một đòn đột kích mạnh vào trận tuyến quân địch. Lính bộ binh Áo chống cự được một thời gian ngắn, nhưng sau đó tan rã và mạnh ai nấy chạy. Chỉ trong vòng chưa đầy nửa tiếng, trung đoàn Bayreuth chịu thương vong 94 người, nhưng đã diệt gọn 20 tiểu đoàn Áo, bắt được 2500 tù binh và tịch thu gần 67 quân kỳ Áo. Trận đánh khép lại vào 9h khi người Áo hoàn toàn bị trục xuất khỏi trận địa, và kế hoạch tái chiếm Schlesien của Maria Theresia đã bị phá sản.[5][17]